Categories

img
Chăm sóc trẻ / Giáo dục

BẢO BỌC QUÁ MỨC LÀ THƯƠNG HAY HẠI CON?

  • Iris
  • on March 5, 2022
    •                              

Con cái luôn bé bỏng trong mắt cha mẹ. Chính vì vậy bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng lo lắng khi con không an toàn ngoài vòng tay mình, chúng ta luôn muốn che chở bảo vệ con khỏi bị ngã, bị đau, hay khi con lớn hơn thì sẽ tiếp tục bảo vệ con khỏi những nỗi buồn và thất vọng. Bạn luôn cố hết sức ngăn cản con phạm lỗi hay tự mình thử sức, muốn con làm tốt bài tập về nhà nên đã làm thay con? Không dám để bé tự đút ăn vì sợ bẩn quần áo, vương vãi thức ăn, cản trẻ làm việc nhà vì sợ con đứt tay, bể đồ,…? Nhưng liệu bạn có sớm nhận ra những việc làm này không những không thể bảo vệ được trẻ mà còn khiến con bạn càng trở nên dựa dẫm, phụ thuộc và yếu đuối hơn.

Dấu Hiệu Cha Mẹ “ Cố Thủ “

  • Không phải bảo thủ mà là “cố thủ”, bạn không để con tự khám phá, không cho con chơi ngoài sân vì sợ bẩn, sợ con vấp ngã, sợ nắng gió.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với hàng xóm vì sợ con bị dụ dỗ, lừa gạt.
  • Đấu tranh không biết có cho con tập đi xe đạp không vì ngoài đường rất nhiều nguy hiểm rình rập, bạn chỉ muốn con luôn ở trong phòng sạch sẽ an toàn mát mẻ.
  • Bạn thấy mình cần phải biết mọi thứ về con như con đang nghĩ gì, làm gì hay đang làm ra sao.
  • Không để con tự mặc quần áo, buộc dây giày, hay bất kỳ việc sinh hoạt cá nhân của con mặc dù con đã có thể tự làm.
  • Bạn tham gia quá nhiều vào việc học của con, cố gắng để con được học giáo viên giỏi nhất, được xếp vào lớp tốt nhất.
  • Hay thậm chí bạn “giải cứu“ con khỏi những tình huống bạn cho rằng con đang thấy khó khăn hoặc không thoải mái. Ví dụ, con thấy ngại khi phải nói chuyện với người lạ nên con trốn sau lưng bạn, nên bạn phải tự mình giới thiệu con với người đó. (Điều này có thế vô tình khiến trẻ tiếp tục né tránh nói chuyện với những người lạ sau này vì trẻ biết rằng bạn cũng sẽ tiếp tục giúp con, đứa trẻ dần mất đi khả năng học cách tự kiểm soát cảm xúc của mình). Không bao bọc là không thương con. Vòng tay của cha mẹ càng siết chặt hơn khi lúc nào cũng có suy nghĩ chờ con lớn hơn thì mới có thể cho con “bước vào đời”. Nhưng đứa trẻ chẳng thể lớn khôn khi bị tách khỏi môi trường sống của chính nó, không được trải nghiệm, đối diện với cuộc sống. Và hậu quả để lại cho trẻ là không hề nhỏ

5 Hậu Quả Của Việc Bao Bọc Quá Mức.

Phát triển không toàn diện

Bảo bọc quá mức có thể khiến trẻ như bị “cầm tù“ trong chính ngôi nhà của mình. Con không thể chạy nhảy hít thở không khí ngoài trời, không có đủ không gian để phát triển các kỹ năng vận động, đồng thời không tự xử lý được các tình huống va chạm thực tế. Thay vì tự tìm ra câu trả lời, con lại phải dựa vào sự trợ giúp của cha mẹ.

Tăng nguy cơ trầm cảm

Nhiều cha mẹ lầm tưởng con được bảo bọc quá mức sẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương nhiều hơn, nhưng hậu quả lại khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, thậm chí suy nghĩ lo lắng quá mức, từ đó khiến trẻ bị trầm cảm.

Trẻ thiếu tự tin

Quá phụ thuộc vào cha mẹ, khả năng tự giải quyết vấn đề khiến sự tự tin của con ngày càng bị bào mòn. Càng ngày trẻ càng cảm thấy không tin tưởng bản thân, dẫn đến càng lệ thuộc vào cha mẹ. Trẻ sẽ luôn cảm thấy bản thân vô dụng và dần hình thành suy nghĩ tự kỉ ám thị rằng mình sẽ không thể làm được việc gì nếu không có cha mẹ.

Nguy cơ phạm tội

Nghe có vẻ hoang đường đó, nhưng theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm lý trẻ em, những bé có xu hướng được bảo bọc hoặc kiểm soát quá mức từ khi còn nhỏ sẽ hình thành suy nghĩ chống đối xã hội và phạm tội cao hơn so với những trẻ khác. Theo các chuyên gia, bảo vệ vừa phải và kỷ luật hợp lý là cách giúp hạn chế chiều hướng phạm tội ở trẻ em.

Trẻ dễ gặp vấn đề về các mối quan hệ

Các báo cáo thống kê cho thấy, những đứa trẻ lớn lên trong sự bảo vệ quá mức của cha mẹ có khả năng gặp khó khăn trong việc duy trì sự hài hòa giữa các mối quan hệ. Trong khi các bé gái có xu hướng trì hoãn việc sống riêng hoặc tạo gia đình riêng cho mình, các bé trai sẽ theo chiều hướng “bám váy mẹ“, nghe theo răm rắp những lời cha mẹ nói mà không có chính kiến riêng.

Làm Sao Để Con Bớt Phụ Thuộc Vào Mình Hơn Khi Bạn Trước Đó Đã Quá Bảo Bọc Con ?

Khuyến khích con tự lập từng chút một

Nhà Tâm lý học Lâm sàng Lauren Feiden nói “ Giúp con có được sự tự lập là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em”.” Nếu con nói rằng con không thể tự buộc được dây giày, cha mẹ có thể khuyến khích con thử làm.
Khen ngợi con khi trẻ có tinh thần tự làm. Nếu con bị trầy đầu gối trong khi chơi đùa, hãy bình tĩnh và nói con biết rằng không sao cả. Khích lệ trẻ tiếp tục chơi tiếp thay vì chỉ chăm chăm chú ý đến vết trầy hoặc nói với con không được chơi tiếp để tránh bị trầy thêm nữa.
Thực sự là trẻ chính là tấm gương phản chiều lại hành động của cha mẹ, trẻ có thể cảm nhận sự lo lắng của cha mẹ, do vậy, đó chính là lý do quan trọng vì sao mình nên giữ bình tĩnh khi con đối mặt với những tình huống khó khăn. Khi cha mẹ càng bình tĩnh và khích lệ con thì con cũng sẽ thấy bình tĩnh hơn.

Làm mẫu cho con thấy con có thể đối mặt như thế nào với những tình huống khiến con lo lắng, khó chịu

Kể cho con nghe bạn cũng có trải nghiệm như con và cách bạn vượt qua. Feiden nói :” Thỉnh thoảng bố thấy sợ hãi khi gặp người lạ nhưng bố tự nhủ rằng mình phải dũng cảm lên. Sau đó bố hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh và nói lời chào”.

Cho con quyền quyết định

Cho con trải nghiệm thế nào là thua cuộc, mất mát – bởi đó là một phần của cuộc sống và nó sẽ giúp con kiên nhẫn hơn. Để con tự quyết định hương vị, màu món ăn hay quần áo và dặn con chịu trách nhiệm với món đồ mình chọn hứa sẽ ăn ngon hoặc yêu quý nó. Khi đó con sẽ rút ra được bài học rằng hoạt động đó, lựa chọn đó không hợp với mình hoặc con sẽ biết có những cách khác để đạt được kết quả tốt hơn.
Mặc dù rằng tình yêu thương, bảo vệ con cái là bản năng của chúng ta. Nhưng việc bảo vệ quá mức sẽ chỉ khiến con lệ thuộc vào chúng ta, ngăn cản con học cách tự lập, và chúng ta thì không thể mãi mãi ở bên cạnh để bảo bọc con được. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là cho con học những kỹ năng cần thiết, cho con được tự mình trải nghiệm để con có những lựa chọn tốt hơn cho riêng mình.


Hồ sơ tác giả

Iris
Iris
Bình thường mình rất thích xem phim truyền hình, các thể loại phim đa dạng thuộc nhiều quốc gia khác nhau nên thi thoảng cũng có nhận viết bài review phim cho web của mẹ và bé. Bên cạnh đó , vì thường xuyên tìm hiểu các sản phẩm trị mụn và chăm sóc da nên mình cũng hay chia sẻ về dược mỹ phẩm mà mình đã dùng với các bạn có nhu cầu tìm hiểu sản phẩm thuộc lĩnh vực đó.
Views:
515
Article Tags:
·
Article Categories:
Giáo dục · Chăm sóc trẻ

Comments are closed.

Home
Mới nhất
Sắc đẹp